Sunday, February 9, 2014

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch: “Cảm ơn vì đã nói tôi đàn bà“

Là một cây bút trẻ dám chọn những mảng đề tài khá nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi như đồng tính, mại dâm để viết nên các tác phẩm của mình, thế nhưng dường như Nguyễn Ngọc Thạch lại khá hiền lành và điềm tĩnh.






Vẫn tất bật với công việc dù là những ngày Tết, Nguyễn Ngọc Thạch – tác giả của tuyển tập “Một giọt đàn bà” vừa ra mắt hồi đầu tháng 1 cho biết, anh sẽ dành khoảng thời gian còn lại để đi du lịch mừng năm mới cùng gia đình. 

Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề viết lách, dù trước đây anh từng chia sẻ rằng thời còn đi học mình không giỏi văn? 
Ngày xưa tôi học văn trung bình, chừng 5, 6 điểm cho một bài kiểm tra nên đậu Đại học là mừng lắm rồi. Khi đi làm, do tính chất công việc, tôi bắt đầu tham gia hoạt động xã hội, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều chuyện làm mình chướng mắt. Tôi mới nghĩ rằng sao mình không viết những thứ đó lại, bởi có những chuyện đáng để cho người ta suy ngẫm. Từ đó tôi bắt đầu tập viết. Viết xong rồi tôi đăng trên mạng, có người đọc, có người khen, có người chê, nhưng nhờ vậy tôi mới thấy những thứ mình viết ra có người quan tâm. Và tôi bắt đầu viết nhiều hơn. Tính đến nay cũng được 4 năm rồi. Truyện đầu tiên tôi đăng trên mạng là vào năm 2010. 

Việc công khai là người đồng tính có làm một bộ phận độc giả mất thiện cảm với các tác phẩm của anh hay không? 
Tôi nghĩ con người ta nên tập thói quen là nhìn công việc chứ đừng nên nhìn người. Còn về độc giả thì cái quan trọng là tôi biết mình muốn viết cho ai. Tuy vậy, cũng có những độc giả chia sẻ với tôi rằng, ban đầu họ không nghĩ là họ sẽ đọc sách của tôi, bởi đề tài về đồng tính của tôi còn xa lạ với họ. Nhưng sau khi đọc “Chênh vênh hai lăm” hay “Một giọt đàn bà” thì họ lại thích tôi và muốn tìm đọc lại các tác phẩm cũ của tôi. 





Khai thác nhiều đề tài nhạy cảm và mang tính xã hội, kinh nghiệm sống giúp ích gì cho anh trong việc đưa những điều đó vào trong tác phẩm của mình? 

Tôi muốn kể câu chuyện này. Cách đây vài ngày có một bạn trên facebook nhắn tin cho tôi, bạn đó là con gái và sắp tới bạn ấy muốn viết một tác phẩm về đề tài đồng tính. Bạn ấy hỏi tôi có thể chia sẻ những kiến thức cũng như kinh nghiệm của tôi cho bạn ấy về việc này được không. Tôi mới hỏi bạn ấy một câu là: “Em có phải là người đồng tính hay không?” Bạn ấy trả lời: “Không phải”. “Vậy thì em có từng tiếp xúc với người đồng tính hay chưa?” Bạn ấy nói “Dạ cũng chưa từng”. 

Lúc này, tôi mới trả lời bạn ấy rằng: “Viết về người đồng tính, ngay cả bản thân của người đồng tính họ cũng chưa chắc hiểu đúng về mình để có thể viết được, vậy thì làm sao một người ngoài như em, chưa từng tiếp xúc, chưa từng hiểu mà có thể viết tốt? Anh nghĩ nếu em thật sự muốn viết thì em phải nên tìm gặp nhiều người đồng tính, sống cùng với họ, sống kiểu như họ, suy nghĩ giống như họ thì em sẽ viết được tác phẩm của mình”. 

Bạn ấy trả lời tôi là: “Em thấy khó khăn quá anh à, bởi vì tiếp xúc với người bình thường đã khó rồi, huống chi là người đồng tính”. Tôi mới hỏi lại: “Em nghĩ người đồng tính là người không bình thường à em?”. Thế là bạn ấy xin lỗi rối rít, xong rồi bạn ấy im luôn từ đó.





Vậy câu chuyện của anh là? 

Tôi thấy có nhiều người họ muốn viết về những thứ họ chưa từng kinh nghiệm qua, họ thích ngồi tưởng tượng về thế giới và họ viết. Thật ra làm thế cũng được, nhưng mà đó là thể loại khoa học viễn tưởng, còn nếu viết về những đề tài xã hội, những hiện thực xã hội như cái tôi chọn, thì bản thân của người viết phải là người từng trải, phải là người sống trong cái thế giới đó, phải là người cảm nhận được cái nỗi đau của nhân vật, của những thứ mình tạo ra, thì viết mới ra được cái hồn của tác phẩm. 

Trong những tác phẩm đã viết, anh tâm đắc nhất tác phẩm nào? Vì sao? 
Mỗi một đứa con thì không ai làm cha mẹ mà nói được là thương đứa nào hơn đứa nào. Nhưng ấn tượng với tôi nhất có lẽ vẫn là “Đời callboy” và “Một con đĩ yêu nghề”. Tại vì “Một con đĩ yêu nghề” là truyện ngắn đầu tay tôi viết được mọi người chú ý tới, nhất là mọi người biết được tôi là tác giả viết văn. Còn “Đời callboy” là cuốn sách đầu tiên tôi ra mắt. Một “đứa” nữa cũng thương là “Chênh vênh hai lăm”. Tính tới thời điểm hiện tại thì “Chênh vênh hai lăm” là tác phẩm giúp mọi người nhận ra tôi nhiều hơn. 





Trong phần mở đầu tuyển tập “Một giọt đàn bà” mà anh vừa xuất bản, anh đã chia sẻ: "Tôi bị ám ảnh bởi đàn bà, nhất là những người đàn bà cá tính, mạnh mẽ. Thỉnh thoảng cũng nhận ra trong mình có một phần đàn bà ẩn dật, lâu lâu vẫy vùng đòi thoát ra ngoài". Anh cảm nhận được trong mình có “một phần đàn bà ẩn dật”? 

Nếu bạn để ý thì sẽ thấy cái vòng tròn âm-dương, trong phần trắng có một chấm đen, trong phần đen có một chấm trắng. Tôi nghĩ đơn giản lắm, con người mình cũng vậy, trong đàn ông có một phần đàn bà và trong đàn bà cũng có một phần đàn ông. Có điều người ta sống tất bật quá nên có thể người ta không nghiệm ra được điều đó. Bản tính đàn ông hay đàn bà thật sự cũng chẳng khác nhau nhiều, đàn bà hay đàn ông gì cũng cần những nhu cầu như là con người. Chẳng qua đàn bà họ tỉ mỉ hơn, có thể là họ sống nội tâm hơn, tình cảm hơn. Thì những phần đó của đàn bà tôi đều cảm nhận được, tôi cũng sống nội tâm, cũng thích sự tỉ mỉ và đôi khi tôi dễ yếu lòng trước những sự việc gây cho mình xúc động mạnh. Những thứ này đàn ông thường ít để ý tới, còn tôi, tôi cảm nhận rõ những điều đó, thì đó là phần đàn bà trong tôi. 

Nhiều người nói tôi tính rất đàn bà, tôi lại cảm ơn điều đó, tôi thích điều đó. Nếu như không có tính đàn bà trong tôi thì tôi đã không thể viết được những câu chuyện về đàn bà đủ thuyết phục để người ta tin rằng tôi đang nói về cuộc đời của đàn bà. Đàn bà đọc vào và họ thấy được bản thân của họ trong đó trong khi tôi lại là một thằng không phải đàn bà viết ra, có lẽ đây là thành công của tôi. Là thứ đàn bà ẩn dật trong tôi mà tôi khám phá được. 





Người ta nói sách cũng là đời. Vậy các tác phẩm của anh có bao nhiêu con người của mình. Đặc biệt là cuốn Đời Callboy? 

Tôi có nhiều bản ngã. “Một giọt đàn bà” là một phần đàn bà, “Chênh vênh hai lăm” lại là một người khác, một người trẻ ở độ tuổi 25. Thật ra mỗi một nhân vật trong tác phẩm của mình đều có mang dáng dấp của mình trong đó, ấy là mỗi khi mình tách bản ngã của mình ra làm nhiều bản ngã khác nhau để mình sống với nhân vật, cảm nhận thế giới của nhân vật rồi viết tác phẩm. Trong “Đời callboy” thì tôi là một nhân vật trong đó và câu chuyện đó là câu chuyện của một người bạn thân thiết, nên mức độ cảm nhận của tôi đối với “Đời callboy” cũng sâu sắc, đồng cảm hơn và tôi như đã sống cuộc đời đó. 

Là một nhà văn trẻ có nhiều trải nghiệm sống có làm cho anh trở nên lý trí trong hành trình tìm kiếm tình yêu cho mình hay không? 
Lâu rồi tôi cũng chẳng đi tìm tình yêu. Tôi nghĩ cứ để mọi sự xảy ra tự nhiên tốt hơn, nó tới thì tới, không tới thì thôi chứ tôi cũng không có nhu cầu đi tìm bởi công việc của tôi bây giờ nhiều quá. Lý trí, đúng, thật sự là sau khi trải nghiệm cuộc sống nhiều, thì đến thời điểm hiện tại, mọi thứ tôi đều dùng lý trí để phân tích. 





Bây giờ không còn tìm nghĩa là trước kia anh đã từng? 

Hồi trước, có thể nói là tôi yêu cuồng hơn, có thể vì tình yêu mà làm đủ mọi chuyện, hy sinh mọi thứ, không nghĩ đến bản thân, không nghĩ đến gia đình. Nhưng mà tới thời điểm này, thì không, tôi không làm được như vậy nữa. Lúc này tôi đặt gia đình lên đầu tiên, rồi tới bản thân mình, rồi tới sự nghiệp, thậm chí tình yêu chỉ được xếp thứ tư thôi. Nói chung bây giờ mình tôi yêu kiểu người lớn hơn là hồi xưa. Không yêu cuồng yêu vội mà lo nghĩ cho sự lâu dài của tình yêu nhiều hơn. 

Anh có cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện nay của mình? 
Có thể nói là hài lòng. Nhưng mà không có nghĩa là mình dừng lại tại đây.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thật này! 

Tấn Dũng - Ảnh do nhân vật tự cung cấp

No comments:

Post a Comment